Cảnh báo gia tăng các ca bệnh Whitmore tại nhiều địa phương

Phó giáo sư Đỗ Duy Cường khám cho bệnh nhân mắc Whitmore đang điều trị. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thời gian gần đây liên tục có sự gia tăng các ca bệnh Melioidosis (hay còn gọi là bệnh Whitmore).

Theo đánh giá từ Cục Y tế Dự phòng, từ đầu tháng 10/2020 đến nay, tại khu vực các tỉnh Miền Trung ghi nhận một số trường hợp mắc bệnh Melioidosis do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei.

Dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác

Phó giáo sư Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho hay từ đầu năm đến nay, Trung tâm đã điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân Whitmore, trong đó riêng từ đầu tháng 11 đến nay có 6 bệnh nhân. Hiện vẫn còn 3 trường hợp mắc bệnh Whitmore điều trị tại bệnh viện. Các bệnh nhân đến từ tỉnh Sơn La, Nghệ An và Hà Tĩnh.

[Bộ Y tế: Giám sát chặt chẽ bệnh Whitmore tại các tỉnh miền Trung]

Các bệnh nhân đều trên 50 tuổi và có tiền sử bị bệnh đái tháo đường, sưng đau khớp gối, nhiễm trùng nặng, có bệnh nhân bị áp xe phổi…

Bệnh nhân Trần Văn T. (67 tuổi, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh). Bệnh nhân làm nghề nông, thường xuyên chăn nuôi, lội nước, ao hồ… Bệnh diễn biến 1 tháng nay với khởi phát là sốt, sưng đau khớp gối phải.

Trước khi vào viện 1 tuần, bệnh nhân T. xuất hiện sưng đau khớp gối tăng, sốt cao 39-40 độ C. Bệnh nhân nhập bệnh viện huyện 2 ngày điều trị không đỡ sốt, chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh, được chọc dịch khớp gối phải, ra dịch vàng đục. Các bác sỹ chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết/viêm phổi/viêm mủ gối, điều trị 3 ngày không đỡ sốt, bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện Bạch Mai) ngày 6/11.

Kết quả cấy máu và cấy dịch mủ gối ra vi khuẩn B.pseudomallei, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới để điều trị theo phác đồ của bệnh Whitmore.

Trường hợp thứ 2 là bệnh nhân Mè Văn C. (56 tuổi, Bắc Yên, Sơn La). Bệnh nhân có tiền sử tăng huyết áp nhiều năm điều trị không thường xuyên và đái tháo đường nhiều năm điều trị không rõ loại.

Trước khi vào viện khoảng 3 tuần, bệnh nhân C. xuất hiện sưng nóng đỏ khớp gối phải, hạn chế vận động. Ba ngày sau, bệnh nhân xuất hiện sốt cao 39-40 độ C, sốt nóng kèm rét run, ngày 2-3 cơn. Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Thảo Nguyên 10 ngày thì cắt sốt, khớp gối phải bớt sưng nóng đỏ. Tuy nhiên, sau 5 ngày ra viện, bệnh nhân lại sốt cao kèm sưng đau khớp gối tăng dần, không đi lại được.

Phó giáo sư Đỗ Duy Cường phân tích về bệnh Whitmore:

Bệnh nhân được chuyển đến Khoa Cơ xương khớp (Bệnh viện Bạch Mai) với chẩn đoán viêm khớp do vi khuẩn tụ cầu. Sau vài ngày điều trị, kết quả cấy máu ra vi khuẩn Whitmore và được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới.

Trường hợp thứ 3 là bệnh nhân Phạm Đức L. ở Hưng Nguyên, Nghệ An. Bệnh nhân L. được chuyển đến Trung tâm Hô hấp ngày 13/11 và 16/11 được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới.

Trước khi vào viện 25 ngày, bệnh nhân xuất hiện ho khan, ho húng hắng kèm sốt cao 39-40 độ C, rét run, mệt nhiều, ăn uống kém.

Tại Bệnh viện Đa khoa thành phố Vinh (Nghệ An), bệnh nhân được chẩn đoán viêm phổi trên nền bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2, nghi ngờ ung thư phổi. Bệnh nhân hết sốt được 2 ngày, ra viện 3 ngày xuất hiện sốt lại với tính chất trên, kèm ho đờm xanh, vàng, khó thở nhẹ.

Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), được cấy máu ngày 13/11 ra vi khuẩn B.pseudomallei, bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới ngày 16/11.

Phó giáo sư Đỗ Duy Cường phân tích do có biểu hiện lâm sàng đa dạng nên bệnh Whitmore rất dễ chẩn đoán nhầm sang bệnh khác khiến việc điều trị không hiệu quả.

Thống kê tại Bệnh viện Trung ương Huế cho thấy, từ tháng 10 đến nay bệnh viện đã tiếp nhận 28 ca bệnh Whitmore. Trong các bệnh nhân nhập viện có 50% bệnh nhân đến từ các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… Số còn lại đến từ các huyện Phú Lộc, Phú Vang, Quảng Điền, Phong Điền, Hương Thủy.. thuộc tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trong khi đó, từ năm 2014-2019 Bệnh viện Trung ương Huế tiếp nhận điều trị với chỉ khoảng 83 trường hợp được chẩn đoán Whitmore, nhưng từ tháng 1/2020 đến tháng 9/2020 đã có 11 bệnh nhân.

Vi khuẩn Burkholderia pseudomallei có trong đất

Whitmore là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây nên. Vi khuẩn này có trong đất và đường lây nhiễm chủ yếu do vùng da tổn thương tiếp xúc với đất nhiễm khuẩn hoặc hít phải các hạt bụi đất chứa vi khuẩn này.

Bệnh được phát hiện ở Việt Nam từ những năm 50 của thế kỷ trước và lưu hành lẻ tẻ tại một số tỉnh phía Nam. Gần đây các ca bệnh được báo cáo có xu hướng gia tăng, cao điểm của các ca bệnh thường xảy ra vào mùa mưa lũ, tập trung từ tháng 9-11.

Theo bác sỹ Cường, bệnh có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng, bao gồm sốt, với các kiểu như sốt cơn hoặc sốt kèm theo lạnh run, sốt kéo dài, suy hô hấp, loét da, viêm đường tiết niệu, viêm phổi, áp xe ở gan, lách, nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng… Bệnh khó chẩn đoán và có tỷ lệ tử vong cao, có thể tới 40% do biến chứng viêm phổi nặng, nhiễm trùng huyết và sốc nhiễm trùng.

Với những người có bệnh nền như đái tháo đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch… có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.Một trường hợp nhiễm vi khuẩn Whitmore đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Hiện nay, các bác sỹ chẩn đoán xác định bằng nuôi cấy máu và các dịch ổ áp xe xác định vi khuẩn Whitmore. Các bác sỹ điều trị cho bệnh nhân lâu dài bằng kháng sinh đặc hiệu đường tĩnh mạch, thời gian tấn công 2-4 tuần, sau đó duy trì giai đoạn duy trì kéo dài 3-6 tháng.

Bệnh Whitmore không lây truyền từ người sang người. Hiện chưa có vắcxin phòng bệnh.

Các chuyên gia khuyến cáo biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, bùn, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, vệ sinh diệt khuẩn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống chín…/.

Để chủ động phòng bệnh Whitmore, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp sau:– Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bẩn, đặc biệt tại những nơi bị ô nhiễm nặng. Không tắm gội, bơi, ngụp lặn ở các ao, hồ, sông tại/gần nơi bị ô nhiễm.- Sử dụng đồ bảo hộ lao động (giày, ủng, găng tay…) đối với những người thường xuyên việc ngoài trời, tiếp xúc với đất, bùn và nước bẩn.- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đặc biệt là trước và sau khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi đi làm ruộng.- Thực hiện ăn chín, uống chín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; không giết mổ, ăn thịt động vật, gia súc, gia cầm bị ốm chết.- Khi có vết thương hở, vết loét hoặc vết bỏng cần tránh tiếp xúc với đất hoặc nước có khả năng bị ô nhiễm. Nếu bắt buộc phải tiếp xúc thì sử dụng băng chống thấm và cần được rửa sạch đảm bảo vệ sinh.- Những người có bệnh tiểu đường, bệnh gan, thận, phổi mạn tính, suy giảm miễm dịch cần được chăm sóc, bảo vệ các vết thương để ngăn ngừa nhiễm khuẩn.- Khi nghi ngờ nhiễm bệnh cần đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám phát hiện và điều trị kịp thời.

PV (Vietnam+)